Học ngoại ngữ miễn phí trên điện thoại với Duolingo

A few screenshots of the Duolingo app on iPhone.
A few screenshots of the Duolingo app on iPhone.

Mình là một người đam mê du lịch. Khi mới đến Melbourne, hễ cứ ngày nghỉ là mình lại đi khám phá một địa điểm mới, còn nếu vì lý do gì đó mà đi không được, thì sẽ lên mạng tìm đọc những điểm đến thú vị hoặc ít người biết, cho vào “bucket list”. Kể vậy để thấy là trong suốt năm 2020, với đại dịch COVID-19 và lệnh phong toả kéo dài, mình đã bứt rứt đến cỡ nào.

Trong khi nhiều người tận dụng thời gian ở nhà để học một kỹ năng mới, hay tìm đến một sở thích mới, thì mình lại quay trở lại một dự định dang dở mà mình đã bỏ ngang trong nhiều năm: học thêm ngoại ngữ mới! Hồi còn học đại học ở Việt Nam, khoa mình bị trường bắt học thêm một ngoại ngữ thứ hai ngoài tiếng Anh. Hồi đó mình còn ngây thơ cho rằng chỉ cần giỏi tiếng Anh là đủ vốn liếng đi ra thế giới, muốn sống, làm việc hay du lịch ở nước nào cũng được. Qua Úc nhiều năm rồi mới thấy tư tưởng đó sai như thế nào.

Với sự phổ biến của Google Translate cùng nhiều phần mềm phiên dịch tương tự khác, những tưởng vai trò của việc học ngoại ngữ sẽ trở nên thừa thãi trong xã hội hiện đại. Nhưng không, dù phát triển đến thế nào đi nữa, thì Google Translate cũng khó chuyển tải được hết cái hay, cái đẹp trong từng ngôn ngữ, cũng như những đặc điểm văn hoá đằng sau mỗi ngôn ngữ ấy. Mình đã nhiều lần đi đến Nhật Bản, và mặc dù vốn liếng tiếng Anh cũng đủ cho mình giao tiếp với các nhân viên khách sạn, nhà hàng hay ga tàu điện ngầm mà không gặp bất cứ khó khăn gì, đôi khi mình vẫn nghĩ nếu biết tiếng Nhật, thì chuyến đi sẽ còn trọn vẹn hơn biết chừng nào.

Thế là trong mùa dịch, mình bắt đầu học tiếng Nhật, đồng thời ôn lại tiếng Hoa để giúp việc học bộ chữ kanji được dễ dàng hơn. Mình nghĩ điều khó khăn nhất với người Việt khi học hai ngôn ngữ Châu Á này không hẳn là ngữ pháp, mà là việc nhớ mặt chữ tượng hình, do chúng ta vốn quen với bảng chữ cái alphabet ngay cả khi học tiếng Anh.

Ngoài việc tập viết thường xuyên, mình còn dùng thử ứng dụng Duolingo để ôn bài mỗi khi rảnh. Mình ấn tượng nhất với câu nói của app này: “15 phút mỗi ngày có thể giúp bạn học một ngôn ngữ mới. Còn bạn được gì khi lướt mạng xã hội trong 15 phút?”

Nhìn chung Duolingo đã ra mắt được nhiều năm rồi nên chạy rất ổn định và dễ xài, trải nghiệm người dùng (UX) cũng khá ổn. Bạn có thể học trên 35 ngôn ngữ miễn phí, bao gồm tiếng Anh, Nhật, Hoa, Pháp, Tây Ban Nha… Mỗi ngôn ngữ được chia thành các chủ đề như chào hỏi, thời gian, địa điểm, công việc… Điểm đặc biệt của Duolingo là mỗi bài tập được thiết kế như một trò chơi, giúp bạn học mà không ngán. Chẳng hạn, app sẽ yêu cầu bạn nối từ với cách phát âm đúng, hay đưa ra một câu và yêu cầu bạn lặp lại. Càng lên cấp độ cao hơn thì các bài tập cũng khó hơn.

“Điểm trừ” của Duolingo, đối với mình, đó là app ít khi giải thích ngữ pháp một cách có hệ thống, mà để người học tự rút ra kết luận qua các bài tập. Dĩ nhiên, mỗi người sẽ thích một kiểu học khác nhau, có người chuộng lý thuyết, còn có người thích thực hành, miễn sao mình nói mà người bản ngữ hiểu là được. Mình xài Duolingo chủ yếu để giúp bản thân nhớ các từ phổ biến, và nghe cách phát âm chuẩn của mỗi từ.

Tóm lại bài này chỉ muốn giới thiệu cho các bạn một ứng dụng học ngoại ngữ vui vui và miễn phí trong mùa dịch. Bạn nào muốn xài thử Duolingo có thể đăng ký qua link của mình để add friend, cùng tạo động lực cho nhau học trên app: https://invite.duolingo.com/BDHTZTB5CWWKSJHY6LDXVJJWVA

Đăng Trình

Leave a comment