Một số thuật ngữ tiếng Anh thông dụng trong báo chí

girl-791231_1920

Là một người yêu thích ngôn ngữ và đã từng học qua các khoá học về Anh ngữ và Truyền thông, mình rất hay theo dõi tin tức bằng tiếng Anh và để ý cách hành văn của phóng viên bản xứ.

Nay mình viết bài này muốn chia sẻ một số cụm từ tiếng Anh phổ biến, nhưng lại có khá nhiều người nhầm lẫn khi dịch sang tiếng Việt. Bài viết là kinh nghiệm cá nhân của mình, nên có gì thiếu sót mong mọi người góp ý nhé!

  1. To take legal action

Theo tự điển Merriam-Webster, “to take legal action” có nghĩa là “to start a lawsuit against someone”, tức là khởi kiện một ai đó. Ví dụ trong câu: “He threatens to take legal action against me”, nhiều người sẽ dịch thành “Anh ấy đe doạ có hành động pháp lý chống lại tôi”, nhưng thật ra chỉ cần nói đơn giản “Anh ấy doạ sẽ kiện tôi ra toà” là đủ.

  1. To take something with a grain of salt

Đây là một cụm từ rất phổ biến khi nói về những tin tức chưa được kiểm chứng hoặc xác nhận. “To take it with a grain of salt” có nghĩa là “không nên tin tưởng hoàn toàn”. Chẳng hạn như trong câu: “Like every outlook, investors should take it with a grain of salt”, có thể dịch thành “Cũng giống như mọi dự đoán, các nhà đầu tư chỉ nên tin một phần mà thôi.”

  1. To find

“To find” không chỉ có nghĩa là “tìm kiếm”. Nó còn có nghĩa là “phát hiện”, “kết luận”, hay thậm chí là “tuyên án”. Ví dụ trong câu: “The judge found him guilty of murder”, nếu dịch thành “Thẩm phán tìm thấy ông ta phạm tội sát nhân” thì khá tối nghĩa trong tiếng Việt, mà nên dịch là “Thẩm phán tuyên án ông ta phạm tội sát nhân”.

  1. Sentiment

Từ này thật ra rất đơn giản, nhưng tuỳ vào ngữ cảnh sẽ có cách dịch khác nhau. Nếu bạn đặt trọn niềm tin vào Google Translate, thì bạn sẽ dịch “sentiment” thành “tình cảm”. Nhưng thật ra từ này có nghĩa là “một góc nhìn hoặc thái độ đối với một sự kiện hay tình huống”. Lấy ví dụ câu: “Anti-foreign sentiment is on the rise in this country”, có nghĩa là “Thái độ chống ngoại quốc đang gia tăng tại quốc gia này”.

  1. To cheat death

“To cheat death” không có nghĩa là đánh lừa Tử thần, mà là thoát chết trong một tình huống hiểm nghèo, hay nói văn hoa hơn nghĩ là thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Ví dụ một trang báo đăng tin như thế này: “A family of seven has cheated death as their home was destroyed”. Có thể dịch thành: “Một gia đình bảy người đã may mắn thoát chết trong khi ngôi nhà của họ bị phá huỷ”.

  1. A slap on the wrist

“A slap on the wrist”, nghĩa đen là “một cái vỗ nhẹ vào cổ tay”, ám chỉ một hình phạt quá nhẹ so với tội lỗi đã gây ra, hay như báo Việt Nam hay nói, “phạt cho có”.

  1. To dominate

Ngoài nghĩa thông dụng là “thống trị” hay “áp đảo”, thì “to dominate” còn ám chỉ một sự vật hay con người giữ vị trí quan trọng hay quyền lực hơn những thứ khác. Ví dụ: “The COVID-19 crisis continues to dominate the headlines” có thể dịch thoát thành “Cuộc khủng hoảng COVID-19 tiếp tục chiếm lĩnh các mặt báo”.

  1. At the end of the day

Theo tự điển Cambridge, cụm từ này được sử dụng trước khi bạn đưa ra thông tin quan trọng nhất, chẳng hạn như trong câu: “Of course I’ll listen to what she has to say but at the end of the day, it’s my decision.” (“Dĩ nhiên tôi sẽ lắng nghe những gì cô ấy nói, nhưng cuối cùng, tôi mới là người ra quyết định.”)

  1. The last thing I want

Đây là một cụm từ rất thú vị, bởi vì rất nhiều người sẽ dịch ngay thành “Điều cuối cùng tôi muốn”. Nhưng thực ra, tự điển Cambridge giải nghĩa từ này là “something that you certainly do not want” – “ điều mà bạn chắc chắn không muốn”. Vậy thì câu “Watching TV is the last thing I want to do right now” dịch đúng là “Tôi hoàn toàn không muốn xem TV vào lúc này”.

Bài viết: Đăng Trình
Ảnh: Pixabay

Leave a comment