Review phim: Hồi ức của một geisha (2005)

inspired-2014-12-memoirs-of-a-geisha-main

Nếu từng ghé thăm Kyoto, bạn sẽ nhận ra ngay những khung cảnh quen thuộc như khu phố Gion, đền ngàn cổng Fushimi Inari Taisha, chùa Kiyomizu-dera, và rừng trúc Arashiyama. Một trong những cảnh phim mà mình thích nhất là lúc cô bé Chiyo chạy dưới hàng cổng đỏ của ngôi đền Fushimi Inari Taisha để đến nơi cầu nguyện, quyết tâm trở thành một geisha.

Điều đáng tiếc là với một bộ phim lấy geisha làm chủ đề chính, thì dường như đạo diễn và các diễn viên đã khá thờ ơ trong việc tìm hiểu sâu sắc về văn hoá Nhật Bản nói chung, và các đặc trưng của nghề geisha nói riêng. Có rất nhiều chi tiết nhỏ trong phim mà những người chỉ cần ghé thăm Nhật Bản một lần cũng dễ dàng nhận ra lỗi sai. Nhưng rõ rệt nhất là cách bộ phim xây dựng hình tượng Hatsumomo (do Củng Lợi thủ vai), một nhân vật hoàn toàn thiếu cốt cách của geisha, mặc dù luôn khoác lên mình những bộ kimono lộng lẫy.

Mặc dù trong truyện, Hatsumomo là một nàng geisha xinh đẹp nổi tiếng nhất nhì hanamachi, một tay nuôi cả okiya, thế nhưng trong phim, cô nàng luôn xuất hiện một cách rũ rượi, lả lơi, thua cả những maiko (geisha tập sự) mà mình gặp ở Kyoto. Thậm chí trong một cảnh phim, Hatsumomo vừa mới tắm xong, để cả mái tóc ướt chưa chải mà đi ra đường.

Thế nhưng đâu đó trong phim vẫn có những chi tiết sáng giá, gợi nhắc về sự tinh tế trong văn hoá Nhật Bản. Như đại tá Derricks đã thốt lên khi tắm suối nước nóng cùng các nàng geisha, “But here you make everything a ritual, don’t you?” (“Ở đây các bạn biến mọi thứ thành nghi lễ phải không?”). Hoặc như khi Mameha chỉ cho cô bé Chiyo những khác biệt trong cách quỳ gối của một geisha so với một nông phu.

Nhìn chung, Hồi ức của một geisha tuy không phải là một bộ phim hoàn hảo, nhưng là một trong những tác phẩm điện ảnh đẹp về văn hoá Nhật Bản dưới lăng kính phương Tây, chỉn chu cả về mặt cốt truyện, hình ảnh và âm thanh.

Đăng Trình

Leave a comment