Omotenashi – Tinh thần hiếu khách của người Nhật

DSCF5226 (1)

Khi nói về người Nhật, nhiều người Việt thường cho rằng họ tốt bụng đến mức giả tạo, họ làm việc như một cỗ máy, họ gia trưởng, kỷ luật, lạnh lùng… Nhưng có bao nhiêu phần trăm trong đó là sự thật?

Mỗi đất nước, mỗi dân tộc luôn có những mặt tốt và mặt xấu, và tôi cho rằng một đất nước đã đem đến cho chúng ta những hãng máy ảnh, xe hơi, điện lạnh… có mặt trong hầu hết mọi gia đình Việt, những trang sách truyện tranh gắn liền với mọi tuổi thơ giới trẻ Việt, hay thậm chí văn hoá thần tượng đặc trưng của ngành công nghiệp giải trí Châu Á, thì chắc chắn có rất nhiều điều cho chúng ta học hỏi, miễn là bạn chịu gác qua những thành kiến để có thể quan sát và cảm nhận một cách sâu sắc, chân thành.

Bản thân tôi đã ghé thăm Nhật Bản nhiều lần từ năm 2017, và đã tiếp xúc với không ít người khác nhau. Những quan sát của tôi không hẳn là từ một nhà nghiên cứu chuyên sâu, mà là từ một du khách đã trót yêu cảnh vật, văn hoá và con người của đất nước mặt trời mọc.

Người Nhật đầu tiên mà tôi có ấn tượng nhất là một bà cụ quét dọn vệ sinh ở khu mua sắm Tokyo Skytree. Tối hôm đó tôi đến đây chơi, đang xếp hàng mua vé lên toà tháp cao nhất thành phố thì phát hiện mình bỏ quên máy ảnh trong nhà vệ sinh. Quay lại thì cũng đã muộn rồi, nên tôi đành ngậm ngùi… leo lên tháp chơi, chắc mẩm là mất luôn chiếc máy. Lúc đi xuống, tôi ghé lại nhà vệ sinh để kiểm tra, thì may sao bà cụ nhân viên vệ sinh đã giữ lại giúp tôi. Mặc dù bà không hiểu tiếng Anh, còn tôi không biết tiếng Nhật, nhưng vận dụng ngôn ngữ cơ thể, tôi cũng đã giải thích cho bà hiểu, và không quên cúi chào sau khi lấy lại chiếc máy.

Xã hội Nhật có thể có nhiều vấn đề, nhưng trộm cắp không phải là một trong số đó. Cộng đồng du lịch thường nói với nhau rằng, ngay cả khi bạn bỏ quên một túi xách hàng giờ liền trên tàu siêu tốc shinkansen, hay giữa khu phố Shinjuku đông nghịt người, khả năng bạn tìm lại được nó vẫn rất cao.

Người Nhật thứ hai mà tôi có dịp trò chuyện là một cậu sinh viên ở Nara. Hôm đó tôi vừa xuống ga, đang đến thăm chùa Todaiji thì thấy cậu đứng ở cổng chùa, tươi cười giơ bảng “Free English Tour Guide”. Hỏi ra thì mới biết, cậu và một số sinh viên khác ở Nara dẫn tour miễn phí cho du khách quốc tế để luyện nói tiếng Anh. Ở nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khác của Nhật cũng có những nhóm hướng dẫn viên du lịch miễn phí như thế: https://www.japan.travel/en/plan/list-of-volunteer-guides/

Cậu dành cả ngày để dẫn tôi đi thăm thú một số ngôi đền nổi tiếng ở Nara, ăn trưa với món sushi địa phương cuốn bằng lá cây hồng (persimmon) thay vì rong biển, thử rượu sake, và ghé thăm bảo tàng đồ chơi truyền thống Nhật Bản. Lúc mới gặp, tôi hào hứng kể cho cậu nghe rằng tôi có học Kiếm đạo (Kendo) được khoảng 2 năm ở Việt Nam, nhưng cậu nói rằng giới trẻ Nhật giờ đây ít mặn mà với những môn võ truyền thống, mà hầu hết đều thích môn bóng chày hơn.

Người Nhật thứ ba mà tôi tiếp xúc là một nhân viên văn phòng ở Osaka. Anh tiết lộ rằng anh đã 27 tuổi rồi nhưng chưa bao giờ có người yêu, sống trong một căn hộ chật hẹp nhưng sạch sẽ, nói được hai thứ tiếng Anh và Pháp, và đặc biệt rất thích món mì Ý sốt carbonara. Thay vì dẫn tôi đi ăn sushi hoặc ramen, anh lại giới thiệu một quán cà phê kiểu Pháp bán bánh croissant.

Càng tiếp xúc nhiều với người Nhật, tôi càng thấy họ không có một khuôn mẫu nào nhất định, mà mỗi người một tính cách, một sở thích, một ước mơ. Thế nhưng nhìn chung họ đều có một tố chất không lẫn vào đâu được, đó là lòng hiếu khách – omotenashi – thứ khiến tôi luôn muốn quay trở lại đất nước xinh đẹp này hơn bao giờ hết.

Tờ Japan Today định nghĩa “omotenashi” là việc quên đi bản thân khi phục vụ cho khách, và luôn đoán xem khách cần gi để có thể tiếp đãi tốt nhất. Còn trang Toki thì nhấn mạnh sự khác biệt giữa “omotenashi” của người Nhật và “service” của phương Tây, đó là người Nhật không trông đợi sẽ nhận lại được điều gì, kể cả tiền tip, từ người được phục vụ.

Lòng hiếu khách của người Nhật là khi bạn bước vào một quán ăn, các nhân viên sẽ luôn niềm nở chào thật to, khi ly nước lọc của bạn vơi quá nửa thì sẽ có người rót, và khi nhận tiền của khách thì luôn nhận bằng hai tay. Hoặc khi bạn đi mua sắm quần áo, bạn có thể thoải mái lựa đồ mà không bị nhân viên nào chèo kéo, nhưng khi cần hỏi điều gì thì luôn có người trả lời. Và còn vô số những ví dụ khác…

Mấy hôm nay dân mạng chuyền tay nhau bài viết “Bảo vệ âm thầm đuổi khách của bạn thế nào?” của tác giả Thông Phan, đại ý rằng dù một quán ăn nấu có ngon đến đâu, mà bảo vệ gây khó dễ, làm phật lòng khách, thì khách cũng sẽ không bao giờ quay trở lại. Tương tự như vậy, đến thăm một đất nước mà dù cảnh vật có đẹp đến đâu, đồ ăn có ngon thế nào, mà người phục vụ, nhân viên bán hàng, hay tiếp tân khách sạn làm bạn phật ý, thì chắc chắn trải nghiệm của bạn cũng không thể trọn vẹn được.

Có thể nói tinh thần omotenashi chính là một trong những nét đặc trưng riêng, thu hút hàng chục triệu du khách ghé thăm xứ Phù Tang mỗi năm, và nhiều người trong số đó còn quay trở lại nhiều lần sau đó.

Bài và ảnh: Đăng Trình

Leave a comment